Việc đầu tiên của một tiến trình điều trị là KHÁM BỆNH tức là tìm hiểu: bệnh nhân bị bệnh gì? Ở bộ phận nào?
Mức độ bệnh ra sao? Ðau thế nào? Ðau bao lâu? Có chu kỳ hay không?
Ðây là việc bắt buộc phải làm, vì nếu không, ta làm sao biết chữa bệnh gì. Nhiều người hễ bệnh đến là cứ
“nhắm mắt nhắm mũi” lấy que dò ấn, day lung tung trên mặt bệnh nhân chẳng cần khám bằng cách dò sinh huyệt (Ấn chẩn) hay quan sát mặt người bệnh (Diện chẩn) hoặc sờ vào da mặt bệnh nhân (thiết chẩn) hay hỏi kỹ bệnh nhân (Vấn chẩn) để xem họ bị bệnh gì, mức độ ra sao? Như thế làm sao có thể chữa đúng và tốt bệnh được.
Trong điều trị thì vấn đề khám để chẩn đoán, định xembệnh nhân mắc phải bệnh gì và nguyên nhân ở đâu là vấn đề trước tiên phải đặt ra. Nếu Ðông Y có Tứ Chẩn (Vọng, văn, vấn, thiết) thì Tây Y cũng có các kỹ thuật chẩn đoán là: nhìn, sờ, nắn, gõ, nghe và các kỹ thuật cận lâm sàng như: chụp X-quang, đo điện tâm đồ, điện não đồ, xét nghiệm… Tất cả nhằm mục đích là làm sao để định rõ được bệnh nhân bị bệnh gì, mức độ ra sao. Từ đó đưa ra cách xử lý thích đáng để đem lại kết quả trị liệu mau chóng và tốt đẹp nhất.
Công việc khám bệnh do đó thường nhắm vào những mục tiêu sau đây: Tìm biết thật rõ bệnh ở cơ quan, bộ phận nào? Bệnh như thế nào? Ðau bao lâu? Ðâu là nguyên nhân gần và xa? Lúc nào thì bệnh diễn tiến trầm trọng (kịch phát), lúc nào thì dịu xuống và hiện nay bệnh đang ở giai đọan nào? Rồi bệnh nhân ở vùng nào thì bệnh nặng hơn (Hoặc giảm đi)? Ăn món gì thì bệnh nặng hơn? Ăn món gì thì bệnh giảm?
Ngoài ra còn cần tìm hiểu cả về :tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, tư tưởng của họ ra sao? Bệnh nhân có đang ở trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất hay tinh thần không? Ảnh hưởng của nơi ăn chốn ở, nơi làm việc ra sao?
Ảnh hưởng của xã hội tác động ra sao đối với họ? Rồi quan hệ giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp…? Tất cả đều có thể là nguyên nhân gần hay xa đến bệnh tình của họ.
Ðể thực hiện việc khám bệnh ta cần phải tuần tự tiến hành 4 bước như sau:
1. NHÌN (Vọng chẩn).
2. SỜ (Thiết chẩn).
3. DÒ SINH HUYỆT (Ấn chẩn, Ðả chẩn, Nhiệt chẩn).
4. HỎI (Vấn chẩn).
Giải thích:
1. NHÌN (Vọng chẩn): Thọat tiên, ta phải để ý quan sát xem sắc mặt, dáng điệu, cử chỉ, của họ ra sao. Ví dụ: Sắc mặt của họ màu gì (tái xanh, trắng bệt, đỏ tía, tím tái hay thâm sạm…), họ có tỏ ra khó chịu, ôm bụng rên la, đổ mồ hôi hột, đi cà nhắc, có mệt mỏi, rã rượi không?
Ngoài ra, trên da mặt họ có tàn nhang không? Nó đóng ở đâu? Hoặc có nhiều nếp nhăn ở đâu? Hay nhiều vết nám ở đâu?.v.v.. Ta phải nhớ rằng: Mỗi DẤU HIỆU TRÊN MẶT cũng như mỗi trạng thái, cử chỉ của bệnh nhân hoặc tổng hợp các dấu hiệu đó là phản ánh biểu lộ của tình trạng sức khỏe, bệnh tật của bệnh nhân. Cho nên cần phải chịu khó khảo sát thật kỹ để từ đó tìm ra đúng gốc bệnh. Có như thế việc chữa bệnh mới mang lại nhiều hiệu quả tốt.
2. SỜ (Thiết chẩn): Chẩn đoán bằng cách sờ da hoặc sờ vào các huyệt đặc trưng. Nhiệt độ của da thịt cũng như độ săn chắc hay trơn láng, mịn màng của nó cũng đều phản ánh biểu lộ tình trạng sức khỏe hay bệnh tật của bệnh nhân.
Ví dụ: Da thịt ở cằm mềm nhão và lạnh phản ánh các cơ quan ở bàng quang bị suy yếu nên bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu đêm hoặc tiểu không cầm được. Hoặc nhiệt độ giữa trán và cằm khác nhau rõ rệt chỉ rõ bệnh nhân đang mắc bệnh cao huyết áp. Hay đầu mũi lạnh là phản ánh tình trạng máu về tim không đủ (vì đầu mũi phản chiếu tim ).Ngoài ra thiết chẩn còn có nghĩa là sờ vào mạch đập ở mặt (vùng huyệt 57 và Đại nghinh) để biết tình trạng bệnh nhân HÀN hay NHIỆT, HƯ hay THỰC (tương tự mạch ở cổ tay).
3. DÒ SINH HUYỆT gồm:
Ấn chẩn: Chẩn đoán bằng cách dò – ấn huyệt.
Đả chẩn: Chẩn đoán bằng cách gõ vào huyệt
Nhiệt chẩn: Chẩn đoán bằng cách dò sinh huyệt bằng điếu ngải cứu trong cơ thể bị rối lọan chức năng hay bị tổn thương sẽ gởi tín hiệu lên MẶT qua các vùng và huyệt tương ứng của chúng. Do đó, thông qua việc khám phá các ÐIỂM hay VÙNG NHẠY CẢM này, chúng ta sẽ suy ra được các bộ phận hay vùng đang, đã hoặc sắp có bệnh trong cơ thể, cũng như có thể biết được bệnh nặng hay nhẹ, đang tăng hay giảm. Ví dụ: Lấy que dò ấn huyệt số 3 thấy bệnh nhân nhăn mặt và kêu đau thì ta có thể suy luận ra cơ quan hô hấp đang suy yếu (cụ thể là :ho, cảm hoặc tức ngực…). Sau khi chữa một thời gian, dò lại huyệt trên không còn đau nhiều như lúc đầu thì biết ngay bệnh nhân đã giảm và khi không còn đau, đó là đã hết bệnh hay dùng búa gõ vào huyệt số 275 (cạnh dái tai) thấy bệnh nhân nhăn mặt kêu đau, ta biết ngay là bệnh nhân đang viêm họng hay sưng Amidan, hoặc dùng cây lăn, lăn vùng sống mũi thấy bệnh nhân kêu đau, ta biết bệnh nhân đang mỏi lưng.
Hoặc ta có thể dò sinh huyệt bằng điếu ngải cứu, khi bắt gặp điểm nào HÚT NÓNG NHIỀU NHẤT, MẠNH NHẤT, SÂU NHẤT thì biết ngay là cơ quan hay bộ phận tương ứng đang có bệnh (thường là do hàn). Ðây cũng là cách dò sinh huyệt nhạy và chính xác nhất.
4. HỎI: “Hỏi” là việc cần thiết để tìm hiểu bệnh tình và nguyên nhân mà bệnh nhân đưa ra có xác đáng không. Vì có nhiều vấn đề liên quan đến bệnh mà chỉ thông qua việc HỎI KỸ BỆNH NHÂN mới có thể hiểu được tỏ tường…
Cho nên qua việc hỏi, ta có thể biết được bệnh nhân đau như thế nào? Ðau vào lúc nào? Ðau ở đâu? Cũng nhưnguyên nhân sâu kín của bệnh (như:do quan hệ vợ chồng hay quan hệ nơi làm việc…).
Ví dụ: Sau khi hỏi một lúc, ta khám phá bệnh nhân hay bị viêm họng là vì có thói quen hay hút thuốc lá và sử dụng nhiều nước đá lạnh trong ngày. Ta bảo bệnh nhân kiêng cữ hay giảm hẳn việc sử dụng hai món trên là bệnh tự nhiên bớt hẳn và không cần phải chữa trị nhiều lần, bệnh nhân cũng mau hết bệnh. Hoặc có nhiều bệnh nhân bị mệt mỏi cổ, gáy, vai mà nguyên nhân lớn là do ngủ ở chỗ có gió lạnh lùa vào (đổi chỗ ngủ này thì mới mau hết bệnh) hay sử dụng nước đá lạnh, ăn ít mà làm việc nhiều.
Rất nhiều bệnh sẽ được chữa khỏi một cách dễ dàng, nếu ta biết cách hỏi để tìm ra nguyên nhân bệnh. Phải chịu khó HỎI bệnh nhân đừng sợ mất thì giờ. VÌ MẤT THỜI GIỜ HỎI, SẼ BỚT ĐƯỢC THỜI GIAN TRỊ LIỆU.
Tóm lại, đứng trước bệnh nhân ta phải bình tĩnh, tự tin và tiến hành đầy đủ, cẩn thận BỐN BƯỚC KHÁM
BỆNH đó và ta có thể yên tâm nắm chắc ít nhất 50% kết quả trị bệnh.
TT/VYÐQT